Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014


CUỘC KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU 2008-20XX

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới âm thầm diễn ra nhiều năm rồi bùng phát vào năm 2008, đến nay đã được 5 năm. Chưa có một chuyên gia kinh tế nào trên thế giới đưa ra được nguyên nhân đích thực của cuộc khủng hoảng, vì vậy không thể xác định được:
- Cuộc khủng hoảng đã chạm đáy hay chưa, 
- Bằng cách nào, và bao giờ loài người thoát được ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Do không xác định được nguyên nhân, nên loài người chống chọi với cuộc khủng hoảng bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng tất cả đều vô vọng, giống như sự vùng vẫy trong ngõ cụt. Chính phủ Mỹ “bơm tiền” cứu trợ các doanh nghiệp và ngân hàng, Liên minh Châu Âu “bơm tiền” cứu trợ các quốc gia nợ công và “thắt chặt chi tiêu”, Chính phủ Việt Nam kìm tăng trưởng, giảm lạm phát, tăng-giảm lãi suất ngân hàng, lập dự án thành lập các công ty mua-bán nợ v.v…Song, mọi biện pháp đều không chặn được đà khủng hoảng, cuộc khủng hoảng vẫn kéo dài, thậm chí ngày càng trầm trọng. Chỉ khi xác định được nguyên nhân đích thực gây ra cuộc khủng hoảng, thì loài người mới tìm được biện pháp hữu hiệu để dần dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vững chắc và chủ động.
1-Nguyên nhân thứ phát: Mâu thuẫn của mối quan hệ giá-tiền.
Nói đến khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều người nghĩ đến nguyên lý khủng hoảng kinh tế thừa theo chu kỳ Các Mác đã vạch ra. Nhưng chu kỳ khủng hoảng thừa từ nhiều thập kỷ đã rút ngắn dần xuống hàng năm, hàng tháng, thậm chí hàng ngày. Đâu đó trên thế giới vẫn luôn luôn xảy ra sự sụp đổ của các doanh nghiệp lớn, nhỏ nào đó. Khủng hoảng thừa chỉ diễn ra cục bộ trong một phạm vi nghành nghề, lãnh thổ nào đó, nhưng cuộc khủng hoảng 2008-20XX diễn ra đổng loạt và toàn diện trên mọi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ với quy mô toàn cầu. Biểu hiện của cuộc khủng hoảng 2008-20XX như sau:
- Giá cả hàng hoá, dịch vụ không ngừng tăng cao, bao gồm cả hàng hoá nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hoá tiêu dùng.
- Sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, tồn kho sản xuất tăng cao, ứ đọng.
- Sản xuất, lưu thông đình trệ, thất nghiệp tăng cao.
- Nợ công của nhiều quốc gia vượt ngưỡng an toàn.
Tất cả những hiện tượng trên đều có mối quan hệ hữu cơ với nhau, là mối quan hệ nhân-quả dưới sự chi phối của mâu thuẫn giá-tiền.
Để dễ hình dung, ta hãy tạm chấp nhận một giả thuyết như sau:
- Nếu đem tất cả tiền mặt của các quốc gia, từ người tiêu dùng, kho quỹ của các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng, kho bạc nhà nước…quy ra đồng USD, loài người có tổng cộng tỷ tỷ tỷ…(10 chữ tỷ) USD.
- Kiểm kê tất cả hàng hoá của loài người, từ nguyên, nhiên, vật liệu đến hàng tiêu dùng, quy ra trị giá USD, loài người có tổng cộng tỷ tỷ tỷ…(6 chữ tỷ) USD.
Từ hai trị giá trên, ta có hai đường đồ thị tạm, gọi là đường đồ thị tiền và đường đồ thị giá.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng âm thầm diễn ra và bùng phát năm 2008 đến nay, giá cả hàng hoá không ngừng tăng cao, trong khi tổng lượng tiền của loài người tăng không nhiều, đẩy đường đồ thị giá ngày càng lên sát với đường đồ thị tiền. 
Khi khoảng cách giữa hai đường đồ thị giá và tiền lớn, thì thị trường tiêu thụ hàng hoá sôi động, sản xuất-dịch vụ phát triển. Ngược lại, khoảng cách giá-tiền ngày càng thu hẹp, thì sức mua giảm, thị trường và sản xuất-dịch vụ ngày càng đình trệ.
Khi sản xuất-dịch vụ và lưu thông thị trường đình trệ, thì các quốc gia không thu được nhiều thuế, dẫn đến ngân sách quốc gia suy giảm, dẫn đến nợ công tăng cao.
Từ nguyên nhân thứ phát là mâu thuẫn “giá cả không ngừng tăng cao” trong khi “tổng lượng tiền không thể tăng theo kịp”, thì mọi biện pháp của các quốc gia, khu vực đều không phù hợp, cuộc khủng hoảng không được khắc phục đúng và triệt để, còn kéo dài vô vọng, không lối thoát.
Giá cả hàng hoá nguyên, nhiên vật liệu ở mức cao làm cho các nhà sản xuất một là thiếu vốn, hai là giá thành sản phẩm hàng hoá ở mức cao, dẫn đến tiêu thụ ứ đọng, dẫn đến thiếu vốn tái sản xuất, dẫn đến đình trệ sản xuất. Nếu “bơm tiền” dưới mọi hình thức cho nhà sản xuất, như cho vay, mua cổ phần, mua nợ xấu v.v…thì chỉ giúp nhà sản xuất có vốn tái sản xuất được một chu kỳ, bởi vì với giá nguyên nhiên vật liệu cao, thì sản phẩm hàng hoá tái sản xuất lại có giá thành cao, tiếp tục tăng tồn kho và nợ xấu.
Cũng tương tự, nếu “bơm tiền” cho quốc gia nợ công cao, thì sản xuất, tiêu dùng trong các nước đó vẫn đình trệ, dẫn đến không thu được thuế đủ ngân sách, thì có “bơm tiền” mãi được không ?
Với nguyên nhân thứ phát là mâu thuẫn giá-tiền trên đây, rõ ràng mọi biện pháp của loài người đang thực hiện, đều không thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, đều là sự cố gắng vùng vẫy trong ngõ cụt không lối thoát.
Từ nguyên nhân thứ phát, rõ ràng chỉ có biện pháp giãn cách khoảng cách hai đồ thị giá và tiền, bằng một trong hai cách:
Một là, toàn thể loài người đồng loạt hạ giá hàng hoá nguyên, nhiên, vật liệu xuống ngang mức những năm trước khủng hoảng, tạo điều kiện cho hàng hoá tiêu dùng hạ xuống, thì thị trường lại sôi động, sản xuất lại phát triển.
Hai là, loài người chạy đua với giá cả, luôn luôn in thêm tiền, phát không cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cả hai biện pháp này đều không tưởng, bất khả thi.
Rõ ràng rằng, nếu chỉ dựa vào nguyên nhân thứ phát trên đây, thì mọi biện pháp đều hoặc là không hiệu quả, hoặc là bất khả thi. Loài người chỉ thoát khỏi cuộc khủng hoảng khi tìm ra nguyên nhân khởi phát, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
2- Nguyên nhân khởi phát: Thủ phạm là giá dầu mỏ.
Trong thế kỷ 21, loài người đang ở trong giai đoạn trữ lượng dầu mỏ và khả năng khai thác đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao. Cung đáp ứng kịp cầu, theo nguyên lý này, thì giá dầu mỏ sẽ tương đối ổn định, có tăng nhưng không thể tăng phi mã như thế, từ khoảng 47 USD/thùng lên đến mức kỷ lục 147 USD/thùng và tụt xuống trên dưới 100 USD/thùng như hiện nay.
Thế nhưng, sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ tấn công Apganistan và Iraq, cấm vận dầu mỏ Iran, Ixraen đe doạ tấn công Iran, khu vực Trung Đông luôn bất ổn, làm sụt giảm một phần khai thác và lưu thông dầu mỏ trên thế giới, mặt khác, tạo cớ cho các nhà đầu cơ dầu mỏ đẩy giá dầu mỏ không ngừng tăng cao.
Giá dầu mỏ tăng làm giá nhiên liệu xăng, diesel, dầu ma-dút, tạm gọi là nhiên liệu lỏng, tăng cao.
Giá nhiên liệu lỏng tăng cao làm giá khai thác, vận chuyển than tăng cao.
Giá nhiên liệu lỏng và than tăng cao làm giá điện tăng cao.
Giá nhiên liệu lỏng, than, điện, tạm gọi là nhóm năng lượng, tăng cao làm giá hàng hoá nguyên, nhiên, vật liệu và giá hàng hoá tiêu dùng trong toàn bộ nền sản xuất đều đồng loạt tăng cao.
Giá cả một sản phẩm hàng hoá nguyên, nhiên, vật liệu, cũng như một sản phẩm hàng hoá tiêu dùng, đều cấu thành từ giá nhiều nguyên, nhiên, vật liệu và giá nhiều dịch vụ cùng tạo nên, vì vậy sự tăng giá thành của mọi sản phẩm hàng hoá đều là cấp số cộng. 
Ví dụ, giá thịt lợn tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng là do giá thuỷ hải sản (phụ phẩm) và giá ngô, khoai, sắn tăng. 
Giá ngô, khoai, sắn tăng là do giá phân bón tăng.
Giá phân bón tăng là do giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng.
Giá thức ăn chăn nuôi, ngô, khoai sắn, phân bón, nguyên liệu phân bón…tăng đều do giá năng lượng cho khai thác, vận chuyển, tưới trồng, sản xuất, chế biến công nghiệp…tăng. 
Như vậy, từ giá dầu mỏ tăng, đã tạo nên một “phản ứng dây chuyền” khiến giá cả mọi sản phẩm hàng hoá của toàn bộ nền sản xuất, dịch vụ đều đồng loạt tăng theo. Để hiểu sự phá hoại “dây chuyền” khủng khiếp của sự tăng giá dầu mỏ, ta hãy lấy một ví dụ sự tăng giá cục bộ của những sản phẩm hàng hoá nào đó. Chẳng hạn giá cát sỏi xây dựng tăng, thì chỉ làm tăng một phần giá một công trình xây dựng, chứ nó không làm tăng giá thịt lợn hay xà phòng, giấy, bút v.v…
3- Giải pháp thoát khỏi khủng hoảng.
Chúng ta chỉ ra rằng, thủ phạm gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-20XX là sự tăng giá phi mã của dầu mỏ. Vậy có thể động viên, bắt buộc nhà khai thác, buôn bán dầu mỏ giảm giá xuống mức những năm trước khủng hoảng được không ? Câu trả lời của các nhà khai thác, buôn bán dầu mỏ là không thể được. Khai thác dầu mỏ cũng phải sử dụng năng lượng xăng dầu, điện, vật tư, phụ tùng. Buôn bán dầu mỏ cũng phải sử dụng xăng dầu, phương tiện vận chuyển, phụ tùng sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện vận chuyển. Tất cả những cấu thành vừa nêu, đều đã bị tăng giá ngay sau khi dầu mỏ tăng giá. Vì vậy, giá dầu mỏ chỉ có thể giảm xuống một mức nào đó, giảm hơn sẽ bị lỗ. Thật là gậy ông đập lưng ông. Vì vậy, dầu mỏ chỉ có thể giảm xuống xấp xỉ 100 USD/ thùng, không thể giảm xuống hơn nữa. 
Muốn thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu, thì giá cả toàn bộ hàng hoá phải đồng loạt tụt giảm xuống mức những năm trước khủng hoảng. Muốn vậy, giá dầu mỏ cũng phải tụt giảm xuống 47-50 USD/ thùng.
Vì vậy toàn thế giới, thay vì tung tiền “bơm”, dùng tiền mua nợ xấu v.v…thì hãy sử dụng khối lượng tiền này, bù giá cho dầu mỏ để nhà khai thác dầu mỏ bán ra mức giá 47-50 USD/ thùng. Bù giá dầu mỏ là bù giá cái gốc, sẽ tốn ít tiền hơn bù giá những cái ngọn như bù giá bình ổn xăng dầu, điện, bù giá bình ổn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trả lương thất nghiệp v.v…Mặt khác, sau khi dầu mỏ được bù giá, bán ra xuống mức trước khủng hoảng, thì dần dần sau một vài năm, giá tất cả hàng hoá sẽ tự động giảm xuống tương ứng, thị trường lại sôi động, sản xuất lại phát triển. Đó là lối thoát duy nhất cho loài người thoát khỏi cuộc khủng hoảng khởi phát từ thủ phạm dầu mỏ này. Việt Nam, ngày 10.04.2013, Quang Trần Nhật, Nhật Quang Trần, Trần Nhật Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét